Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

NHỮNG THẦN VỆ NỮ VÚ TO MÔNG NẨY VÀ NGUỒN GỐC CỦA NGHỆ THUẬT

NHỮNG THẦN VỆ NỮ VÚ TO MÔNG NẨY VÀ NGUỒN GỐC CỦA NGHỆ THUẬT

Hà Vũ Trọng



Một thoáng nhìn vào hành lang triển lãm nhỏ dưới đây, gồm một số tượng thường được gọi là “Vệ nữ”, có niên đại cách nay 40.000 năm cho tới 3.000 năm trong các nền văn hoá thế giới. Những phong cách “mới lạ” từ thời tiền sử này cho chúng ta cảm tưởng về nền điêu khắc hiện đại. Đúng vậy, bởi vì nghệ thuật hiện đại của thế ki 20 chẳng qua là đứa con hoang đàng trở về với cái nôi khởi nguyên của nghệ thuật loài người, trở về với Mẹ Đất, với nguyên mẫu mà Carl Jung gọi là Mẹ Cả, là nguồn mạch sáng tạo của đời sống.


         
 











 



        








Suốt hơn 100 năm qua, những tranh cãi về nguồn gốc của nghệ thuật vẫn còn những bất đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, chứng cứ đưa ra cho nghệ thuật trừu tượng tìm thấy ở châu Phi có niên đại cách đây 75.000 năm, còn chứng cứ cho nghệ thuật tượng hình cổ xưa nhất đã có cách đây 40.000 năm.
Những khai quật mới đây vào năm 2008 phát hiện ra một pho tượng nhỏ khắc trên ngà voi mamút ở Hang Hohle Fels, vùng Swabia Jura phía tây nam nước Đức. Pho tượng thần “Vệ Nữ” này được tạo ra cách đây 40 ngàn năm, khiến nó trở thành nguyên mẫu cổ nhất về nghệ thuật tượng hình và đẩy lùi niên đại sớm hơn cả 10.000 năm so với những tượng Vệ nữ nổi tiếng thuộc văn hoá Gravette (ở Pháp). Hàng ngàn pho tượng nữ thần cùng đủ mọi hiện vật và di tích đền thờ nữ thần mà những nhà khảo cổ học như Marija Gimbutas đã liên tục tìm thấy ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới, đã làm thay đổi triệt để những cách nhìn của chúng ta về bối cảnh và ý nghĩa của nghệ thuật đầu thời Đồ đá cũ. Và không hẳn chỉ về nguồn gốc nghệ thuật, những phát hiện này cũng làm thay đổi và đánh giá lại những thiết chế văn hoá, xã hội, tín ngưỡng của nhân loại trong mấy ngàn năm qua dưới chế độ phụ quyền với tín ngưỡng độc thần.

Chúng ta sẽ điểm qua một số pho tượng thần Vệ Nữ nổi tiếng và cổ xưa nhất, và cũng là những tác phẩm sáng tạo đầu tiên của nhân loại.


1. Vệ Nữ Hohle Fels khắc trên ngà voi mamút, cao 6 cm, phát hiện năm 2008 ở vùng Swabia Jura nước Đức, cũng là vùng được cho là có mặt sớm nhất của người homo sapiens ở châu Âu (Cro-Magnon). có niên đại từ đầu thời kỳ Đồ đá cũ cách nay khoảng 40.000 năm. Đây Là mẫu mực cổ nhất thế giới về nghệ thuật tượng hình nói chung. Các đặc trưng của nhiều pho tượng nữ thần vào những thời kỳ tiền sử sớm nhất thường ít chú tâm vào phần đầu, gương mặt, cánh tay hoặc bàn chân, mà đặt nặng vào những thuộc tính của sinh dục. Với Vệ nữ Hohle Fels, cũng vậy, ngoài hai đặc trưng phồn thực thường thấy là “vú to mông nẩy”, bộ phận âm hộ còn được khuếch đại với hai bắp đùi căng tròn và hai chân dạng ra để nhấn mạnh việc sinh đẻ. Có lẽ đó là vẻ đẹp sinh học lý tưởng, ít ra là trong thời kỳ này. Giới y học ngày nay xem hình ảnh đàn bà thời tiền sử bị chứng béo phì, nhưng thật ra theo quy luật sinh tồn thì lớp mỡ dày dưới da và dưới bộ mông to xệ này hẳn nhiên có chức năng cần thiết để giữ nhiệt và dự trữ năng lượng nhất là khi người phụ nữ vừa phải sinh con đẻ cái trong những điều kiện sinh tồn khắc nghiệt nhất của môi trường thời kỳ Băng hà. Cũng có người xem đây là tác phẩm nghệ thuật huê tình (erotic) có sớm nhất của nhân loại. Tuy nhiên, khái niệm hiện đại về “nghệ thuật” hoặc “huê tình” là hoàn toàn xa lạ trong một thời kỳ không có khái niệm giam cầm gọi là “tác phẩm nghệ thuật” hoăc “khiêu dâm”. Hình tượng nữ tính thiêng liêng ở đây được tôn vinh thành nữ thần, người mẹ mang thai, sinh sản, nuôi dưỡng từ bầu vú no tròn, và lại đón đứa con trở về tử cung của Mẹ Đất để rồi lại tái sinh.

2. Vệ nữ Dolni Vestonice là người đàn bà khoả thân bằng gốm có màu màu đen sẫm kì lạ, cao 111 mm,  niên đại cách nay 29.000—25.000 năm, tìm thấy ở vùng nam Brno, Moravia, nước Tiệp. Bức tượng gốm này tuy có đặc trưng phồn thực tương tự với những pho tượng khác, nhưng gương mặt có hai đường vạch thành đôi mắt xếch và một vạch thẳng là mũi, và chóp đầu có bốn cái lỗ để cắm hoa, cây lá hoặc lông chim, tạo thành kiểu tóc biểu thị cho cây cối đâm chồi nảy nở từ Mẹ Đất. Pho tượng này phát hiện cùng với những tượng đầu nữ thần và những thú vật khác, được công nhận là đồ gốm cổ nhất nhân loại, và đã sớm biết sử dụng kĩ thuật nung gốm. Nghệ thuật điêu khắc trên ngà voi và gốm với những hình tượng đa dạng tìm thấy ở vùng này được xem là do bàn tay của người phụ nữ tạo ra trong thời đồ đá. 

3.    Vệ Nữ Ostrava, phần thân mình của tượng này cao khoảng 5 cm, khắc trên quặng haematite, cũng thuộc văn hoá Gravette tìm thấy ở Moravia, Tiệp. Niên đại cách đây 27.000 năm. Mang kiểu dáng cực hiện đại, gần như phong cách lập thể, và cái gò tam giác như một mảnh bikini hiện đại. Hình thể mảnh mai với dáng eo thon, vú nhỏ và săn chắc, bụng hơi nhô lên gợi ý giai đoạn trẻ trung và mang thai thời kì đầu.  Tiếp theo dưới đây, cũng là những Vệ Nữ Dolni Vestonice điêu khắc từ xương thú, thân thể được cách điệu hoá thành nghệ thuật trừu tượng rất “hiện đại”, trở thành những biểu tượng vật tổ về người bàn bà như là nữ tổ tiên của loài người. 



 


*


4.   Vệ Nữ Lespugue điển hình của nền văn hoá Gravette trải dài khắp châu Âu, cách nay 27.000 năm, ở vùng Dordogne, Pháp. Khắc trên ngà voi mamút, cao 14 cm,  Vệ Nữ này không có bàn tay hay bàn chân, cặp giò thuôn nhọn dần, mục đích như để cắm đứng xuống đất hoặc cắm vào đâu đó có thể nhìn thấy. Phần ngực trên lõm thành một đường cong và uốn lên trên như chiếc đầu rắn hướng tới trước, vì vậy tất cả  phần trên mảnh mai như thể để nhấn mạnh ở phần dưới vào khả năng sinh đẻ và nuôi dưỡng. Cặp vú to thõng xuống với hai cánh tay nhỏ tựa lên hai bầu vú hoà nhập vào với cái dạ con tròn đầy; cặp mông và cặp giò phồng căng lên thành khối căng như thể đang trợ giúp cho hành vi sinh đẻ. Bộ vú và bộ mông gây cảm tưởng là bốn quả trứng to mang trong chiếc tổ của thân thể đang có bầu. Mười vạch thẳng khắc dưới mông đằng sau bắp chân tạo ấn tượng của dòng nước ối đang tuôn ra từ dạ con. Mười đường vạch gợi ý về mười tuần trăng mang thai.




 


5.  Vệ Nữ Willendorf, niên đại khoảng 26.000 năm, tìm thấy ở Áo. Tuy chỉ cao 11 cm nhưng nữ thần trông dáng đồ sộ, tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng này có thể tìm thấy trong đa số sách về lịch sử nghệ thuật. Bức tượng được khắc bằng đá vôi, mang đậm tính phồn thực của Mẹ Đất với cặp vú to, bụng lớn, âm hộ được khắc chi tiết, và vẫn còn dấu vết của lớp màu đất đỏ quét lên tượng trưng cho máu.  Quanh đầu nữ thần là 7 lớp bện song song vòng quanh và che kín khuôn mặt. Con số 7, con số của sự trọn vẹn, một phần tư của chu kì tuần trăng. 


6. Vệ Nữ Moravany/Moravia, ở Slovakia, khắc bằng ngà voi mamút, cao 7.6 cm, niên đại 22.800 năm, cũng thuộc nền văn hoá Gravette. Bức tượng rất đẹp, không có đầu, tất cả nhấn mạnh vào tính tả chân công phu ở bụng và cặp vú nặng trĩu, biểu thị đang chu kì mang thai. Rốn và âm hộ củng được khắc rõ nét. 

7.   Nữ thần Brassempouy, bức tượng nổi tiếng này chỉ còn sót lại chiếc đầu, cao 3.65 cm, khắc trên ngà voi mamút, tìm thấy trong một cái hang ở Brassempouy (Landes, Pháp), niên đại cách đây khoảng 25.000 năm, thuộc văn hoá Gravette. Đây là bức tượng có phong cách hiện đại nhất, và có lối miêu tả sớm nhất mang tính tả thực về khuôn mặt và kiểu tóc, cổ cao với những nét thanh tú. 

8.  Vệ Nữ Laussel, cao 43 cm, khắc trên đá vôi, Pháp, cách đây 22.000 năm, tay phải cầm chiếc sừng bò mộng hình mặt trăng lưỡi liềm, trên đó vạch ngấn 13 ngày khi trăng tròn và 13 tháng của năm âm lịch. Bàn tay trái chỉ vào dạ con đang căng lên để chỉ sự liên hệ chu kì trăng tròn với tiến trình sinh đẻ của dạ con.


9.    Vệ nữ Avdeevo, khắc trên ngà voi mamút, cao 12-15 cm, cách nay 20.000 năm, địa điểm Avdeevo này nằm ở sông Sejm gần thành phố Kursk, Nga, có liên hệ rất gần những địa điểm đầu thời Đá cũ ở Trung và Đông Âu. Những tượng Vệ Nữ này hình thể có biến đổi, nhưng hầu hết miêu tả những giai đoạn khác nhau của chu kì sinh đẻ.  




10. Vệ nữ Engen, tìm thấy ở hang Peterfels, Đức, niên đại cách đây 15.000 năm, khắc bằng than đen và mài tới độ nhẵn bóng tuyệt đẹp, chiều cao chỉ 4.4 cm. Đây có lẽ là hình tượng người đàn bà được cách điệu trừu tượng cao độ nhất, với bộ mông to hình trứng, có lỗ ở chóp đầu để xỏ dây da đeo quanh cổ.



                               


      
 11. Vệ nữ Jomon của Nhật Bản, thuộc thời kỳ Jomon (hay Thừng văn) niên đại bắt đầu cách đây 16.000 năm và kết thúc vào 300 năm trước CN, là nền văn hoá có sự liên tục và lâu dài nhất thế giới. Dân tộc Jomon đã tạo ra sản phẩm đồ gốm thuộc loại có sớm nhất thế giới với phong cách phong phú và rất đặc dị, những hình thể người vừa trừu tượng vừa cụ tượng được cách điệu tinh tế và hiện đại, cùng nhiều tượng nữ thần mang bầu và sinh đẻ. Cũng như hầu hết ở những xã hội tiền sử khác, đồ gốm của Jomon được cho là do phụ nữ chế tác.




12. Những Vệ Nữ của châu thổ sông Ấn, thuộc nền văn minh Harappan được coi là nền văn minh đô thị lớn nhất và cổ nhất, ở vùng tây bắc Ấn Độ, cách đây 5000 năm.





13 .    Những nữ thần Hồng Sơn, bằng đất nung và ngọc thạch, thuộc nền văn hoá Hồng Sơn trong thời đại đồ đá mới, ở vùng nay thuộc đông bắc Trung Quốc (trải dài từ khu tự trị Nội Mông đến Liêu Ninh). Nền văn hoá tiền sử này rất bí ẩn và có nền văn mình và kĩ thuật rất cao, có niên đại kéo dài cách đây 6700 năm cho tới 4900 năm, cũng là nơi chế tác ngọc thạch sớm nhất với phong cách tạo hình độc đáo. Tại di chỉ Ngưu Hà Lương đã khai quật ra một tổ hợp Đền thờ Nữ thần và nhiều tượng nữ thần khoả thân. Đền thờ này dùng để hiến tế nữ thần trong thời mẫu hệ, liên quan đến việc sinh đẻ và những nghi lễ phồn thực của người nữ.


14.    Vệ Nữ ngủ say, tượng đất sét quét màu đất đỏ, cách đây 5800 năm. Bức tượng người nữ thân hình tròn trịa và phồn thực này tìm thấy trong một ngôi đền thờ nữ thần ở Malta, nơi có lẽ thực hành việc cứu trị và những nghi lễ khác. Bức tượng thể hiện một nữ tư tế đang nằm ngủ để rồi đưa ra lời đoán giải và tiên tri từ những  giấc chiêm bao.

15. Vệ Nữ hình “vĩ cầm”, đá cẩm thạch, niên đại cách đây 4800 năm, thuộc nền văn hoá Cyclades, Hi lạp.

Tham khảo:
Anne Baring & Jules Cashford, The Myth of the Goddess – Evolution of an Image, Arkana: Penguin Books, 1991
Wikipedia:
Các trang khác:

    

Bài đã đăng trên báo Thể thao và văn hoá cuối tuần, ngày 6/9/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét