"Thầy tôi dạy nghề cho tôi không
giống ai cả. Khi giao cho tôi một cuốn sách, hay một bài học nào đó, lúc
trả bài chỉ được phép gói gọn lại vài câu cốt tủy nhất mà thôi, không
được phép nói quá dài. Nhưng khi Thầy khảo bài, thầy lại ra một chữ, hay
nhiều lắm là 9 chữ, tùy theo nội dung, rồi hỏi tôi chữ đó có thể nói
được bao lâu, thông thường một chữ của Thầy khảo, ít nhất tôi phải giải
thích từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ. Có nghĩa là sách, hay là trước tác Y
thuật của tiền nhân để lại, Thầy giao cho tôi đọc, nghiên cứu, làm thế
nào mà thấu ngộ hết nội dung và bắt buộc khi trình bày lại, phải thật
ngắn gọn, nếu câu trả lời không ngắn đến chỗ không thể nào ngắn hơn được
nữa, thì lại phải tiếp tục nghiên cứu tiếp, chứ chưa được nhận ý chỉ
mới. Ngược lại khi Thầy khảo bài thì Thầy chỉ đọc lên một chữ, hay một
câu dăm bảy chữ gì đó, tôi chỉ được phép định tâm suy nghĩ độ năm mười
phút gì đó rồi trả lời là chữ đó tôi có thể lý giải được trong bao lâu.
Nếu tôi nói, tôi giải thích được 30 phút hay 1 tiếng chẳng hạn, Thầy xét
thấy thời gian lý giải quá ngắn, thì không chấp nhận. Bắt phải học lại
đề tài đó, và ra điều kiện phải lý giải trong bao lâu, nếu khi nào có
thể đáp ứng yêu cầu đó, thì mới trình Thầy để tiếp tục khảo luận.
Ví dụ khi học về các tác nhân gây bệnh trong y lý. Thầy giao cho tôi
mấy tập sách như Thương hàn Luận, Hình Giản Trân Nhu, Bệnh lý chỉ
Lược...Khi trả bài tôi nói một câu: "Nội Nhân Thất Tình, Ngoại Nhân Lục
Dục, Bất Nội Bất Ngoại Nhân" (Nguyên nhân từ bên trong do 7 loại tình
chí gây ra, nguyên nhân bên ngoài do sáu loại tà khí gây ra, và có những
nguyên nhân đặc biệt không do nội, ngoại nhân gây ra). Thầy nói: "Còn
quá dài". Tôi nhắm mắt định thần suy nghĩ lại hồi lâu rồi trả lời lại : "
Thất Tình, Lục Khí". Thầy lại nói: "Dư một chữ". Tôi lại định thần suy
nghĩ, cuối cùng phải đầu hàng: "Thưa Thầy, con chịu". Chịu thì lại phải
tiếp tục công phá cả mấy cuốn sách kia để tìm cho được 3 chữ cốt tủy.
Mấy tuần sau khi trả bài lại, thấy tôi tủm tỉm cười, Thầy nói: "Ba chữ
gì, con nói nghe coi". Tôi nói: "Chính khí suy". Thầy xoa đầu tôi và đi
pha trà, không cần tôi phải trình bày thêm một chữ nào nữa hết. Có nghĩa
là Thầy hài lòng và chấp nhận khóa học đã kết thúc về phần "đầu vào".
Hôm sau đến lượt "đầu ra". Lúc tọa Thiền, Thầy hỏi : "Nộ" (giận dữ). Tôi
nhắm mắt định thần suy xét xem cái hiểu biết của nình nói về cái Đệ Nhị
Tình Chí trong Thất Tình (hỷ-nộ-ưu-tư-bi-kinh-khủng:
Vui-Giận-Buồn-Lo-Nghĩ-Sợ hãi-Khiếp đảm) được bao nhiêu, và có thể lý
giải trong bao lâu. Gói ghém tất cả những lý luận về ảnh hưởng của trạng
thái giận dữ đến với sức khỏe, nếu giận dữ thái quá thì gây nội thương
cho phủ tạng nào trong cơ thể, tình trạng phủ tạng đó bị nội thương có
những biểu hiện gì, và triệu chứng ở mạch bộ như thế nào, ở lưỡi như thế
nào, ở mắt như thế nào. Nếu bị nội thương do Nộ gây ra, thì dùng phương
pháp gì để chữa trị, nếu châm cứu thì thủ những huyệt nào, dùng thuốc
thì phương toa nào, liều lượng thảo dược bao nhiêu, và vì sao...Sau khi
lướt qua kiến thức, tôi trả lời : " Thưa thầy, khoảng 3 giờ" ( có nghĩa
là tôi sẽ trình bày trong 3 tiếng đồng hồ cho cái chữ "Nộ" của Thầy).
Thầy gật đầu, có nghĩa là chấp nhận được. Tôi không cần phải trình bày
gì cả. Thầy lại tiếp tục hỏi: "Thấp". Tôi lại nhập định để rà soát kiến
thức về cái Đệ Tứ Tà Khí trong Lục dâm (phong-hàn-thử-thấp-táo-nhiệt:
Gió-Lạnh-Nắng-Ẩm-Khô-Nóng) rồi trả lời :" Dạ 3 ngày và cộng thêm một đời
ạ". Thầy mỉm cười biết tôi nắm kỹ được kiến thức. Khi gặp đề tài lớn
như thế này, thỉnh thoảng Thầy lại ra đề dài chữ hơn để tôi trình bày.
Ví dụ trong đề tài ngắn chữ "Thấp", Thầy ra thêm đề nhiều chữ (càng
nhiều chữ càng dễ): "Thấp Nhiệt Nhập Dương Minh" có nghĩa là Thầy chỉ
hỏi hạn hẹp trong phạm vi Thấp tà kết hợp với Nhiệt tà thâm nhập vào
kinh Dương Minh (Thủ dương minh Đại trường và Túc dương minh Vị kinh),
thì gây nên tình trạng gì, cách chữa trị ra sao. Những đầu đề nhiều chữ,
là những đầu đề bắt buộc tôi phải lý giải.
Có lần tôi nói
đùa rằng. Thầy dạy nghề cho tôi theo kiểu bán buôn lỗ vốn, vì khi khảo
đầu vào thì càng ít chữ càng tốt, còn khảo đầu ra thì càng tràng giang
đại hải càng hay. Phương pháp tiếp nhận kiến thức kiểu này tôi gọi là
phương pháp học cụt vốn (sau này khi làm thơ có ít nhất trên 10 bài tôi
sử dụng cái từ "cụt vốn" này). Còn Thầy thì giải thích đó là phương pháp
phá công án, như kiểu phá công án trong Thiền. Chỉ có phương pháp này
mới thấu ngộ vấn đề triệt để và nhanh nhất mà thôi. Nhưng không phải ai
cũng thực hiện được, trừ phi Thầy trò có duyên, như cái duyên tao ngộ
giữa tôi và Thầy vậy.
Như cái "Công Án" Kinh mạch huyệt
đạo này, Thầy bắt tôi đọc tất cả sách nói về châm cứu, với gợi ý 380
huyệt đạo, thực ra chỉ có 120 huyệt cần dùng, trong 120 huyệt cần dùng,
chỉ có 60 huyệt là dùng thường xuyên, trong 60 huyệt dùng thường xuyên,
chỉ có 24 huyệt chủ yếu, trong 24 huyệt chủ yếu thì chỉ có 12 huyệt quan
trọng, trong 12 huyệt quan trọng thực ra chỉ cần 6 huyệt là trị được bá
bệnh, trong 6 huyệt trị được bá bệnh chung qui lại cũng chỉ có một
huyệt. Khi nào "chỉ mặt đặt tên" được 24 huyệt chủ yếu, gọi là Hiểu,
được 12 huyệt thì gọi là Thông, được 6 huyệt thì gọi là Thấu, chỉ ra
được 1 huyệt thì gọi là Ngộ. Tôi biết rằng để "chỉ mặt đặt tên" cái Đệ
Nhất Huyệt này, tôi phải ngấu nghiến nghiền ngẫm ít nhất cũng dư chục
cuốn sách, và ít nhất cũng hàng năm mới phá nổi cái công án này. Vì vậy
tôi không bỏ phí một khoảnh khắc thừa thãi nào, lúc nào cũng úp mặt vào
mấy cuốn Châm cứu. Lúc nào thấy tôi ngất ngất, ngơ ngơ như người mất hồn
thì Thầy lại dắt tôi "đi dạo".
Những cuộc "đi dạo" của
chúng tôi mới thật táng đởm kinh hồn. Cuốc bộ từ Vinh đi Hương sơn, cuốc
bộ từ Vinh đi Đô Lương, Nghĩa đàn, Con Cuông. Cuốc bộ từ ga Đò Lèn vượt
Tam Điệp đi Ninh Bình, cuốc bộ dọc ngang khắp núi rừng Cẩm Thủy, Bá
Thước..Và chuyến cuốc bộ lịch sử, khi Thầy giã từ Vinh để trở về Huế.
Trong chuyến cuốc bộ hành hương này, chúng tôi phải vượt qua dãy Hồng
Lĩnh, vượt Đèn Ngang, đèo Lý Hòa..để đổ bộ về Đồng Hới bằng đôi chân
trần của mình. Sẽ có dịp tôi kể về những chuyến hành hương này. Bởi vì
những kiến thức về nghề nghiệp, những hiểu biết về Phật Giáo và những
bài học làm người của tôi, thực sự mới được bổ sung và củng cố trong
những chuyến hành hương ấy."
Trích blog của thầy Thuận Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét