Chương 1: Xuất xứ của lục tự khí công
Sách Nội kinh, một cuốn sách như là kim
chỉ nam cho toàn bộ nền Y-lý cổ truyền Đông phương,và cũng là nền tảng
cơ sở cho mọi lý luận về nguyên tắc chẩn bệnh và trị bệnh cuả y học cổ
truyền có viết : “Người đời thượng cổ, biết phép dưỡng sinh, thuận theo
qui luật Âm-Dương của bốn mùa biết tu thân dưỡng thần, ăn uống có chừng
mực, làm lụng nghỉ ngơi có kỷ luật, không vô cớ hao tổn tinh lực, cho
nên thân thể họ cường tráng, tinh thần họ phấn chấn sống mãi đến trọn
tuổi trời cho…”
Phép dưỡng sinh mà sách Nội kinh đề cập
tới, theo quan niệm của người xưa là thuận theo trời đất, năm tháng 4
mùa dựa vào âm dương mà hô hấp tinh khí của vũ trụ bồi bổ nội khí của
thân thể, tu dưỡng tinh thần, hòa hợp với thiên nhiên. Đó không những là
cơ sở mấu chốt của các môn Nội công, Khí công, rèn luyện dưỡng sinh
theo phong cách Á-đông hiện nay, mà còn là một cơ sở lý luận mang tính
khoa học, có sức thuyết phục rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe con
người.
Trong công cuộc giao lưu văn hóa giữa
Đông và Tây, một xu thế phát triển văn minh của thế kỷ 21, thì những cơ
sở lý luận cũa Y-học cổ truyền Á-đông đóng một vai trò cực kỳ quan
trọng, nó không những đã thuyết phục, mà còn được Y-học hiện đại thừa
nhận như một môn Y-học thực nghiệm, tồn tại song song với các bộ môn
Y-khoa hiện đại khác. Đặc biệt trong việc rèn luyện sức khỏe, phòng
chống bệnh tật, đẩy lui những căn bệnh hiểm nghèo, thì những phương pháp
của Y-học cổ truyền Á-đông lại được xem trọng hơn, bởi vì ngoài vấn đề
đạt được hiệu quả cao, những phương pháp ấy lại được thực hiện đơn giản,
chi phí thấp, và dễ dàng phổ cập trong đại chúng. Bởi vì vậy chúng ta
chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, trong những năm gần đây ở phương Tây nhan
nhản khắp nơi có các Trung tâm Y-tế, trường học, phòng mạch, bệnh
viện…nghiên cứu và quảng bá các phương pháp trị bệnh như: Châm cứu
(Akupunktur), Bấm huyệt(Akupressur), Yoga, Khí-công (Qi-gong), thuốc Bắc
(Chinesiche Kräuter Medizin) Vệ- đà (Ayurveda ), Thái-cực-quyền
(Tai-tshi) v..v.. Và những phương pháp đó đã được các cơ sở Bảo hiểm
Y-tế thanh toán lệ phí điều trị.
Điểm khác biệt giữa Y-lý Á-đông (TCM)
với y-học hiện đại (Schulmedizin) trong vấn đề sức khỏe của con người là
Y-lý Á đông lấy việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể (Chính khí), điều
hòa các chức năng nội tạng (cân bằng Âm -Dương) trên cơ sở đó, tác
động, tăng cường khả năng tự hồi phục của cơ thể, lấy việc Phòng bệnh
làm vấn đền tiên quyết, chữa bệnh chỉ là thụ động, thứ yếu. Và trong
việc trị bệnh cũng lấy Nội khí làm chủ, để điều hòa Khí-Huyết, đào thải
tận góc rể- mầm móng bệnh tật, chứ không phải chỉ dập tắt triệu chứng
như Tây-y.
Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu
Trác có viết. ” Thánh nhân trị khi chưa có bệnh, không để bệnh phát ra
rồi mới chữa, trị khi chưa có loạn, không để loạn rồi mới dẹp, phàm sau
khi có bệnh rồi mới dùng thuốc , loạn đã thành mới dẹp, cũng ví như khát
mới bắt đầu đào giếng, khi chiến đấu mới bắt đầu đúc binh khí thì chẵng
muộn lắm ru… Ngũ vị là Chua, Đắng, Ngọt ,Cay, Mặn. Lục-dục là sự ham
muốn của Mắt,Tai, Mũi, Lưỡi, Thân thể, Ý nghĩ. Thất tình là bảy loại
tình chí của con người đó là Mừng, Giận, Lo ,Nghĩ, Buồn, Sợ, Khủng
khiếp. Trong thì làm thương tổn nội tạng, ngoài thì hại 9 khiếu (Miệng, 2
mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, tiền âm, hậu môn ) do đó mà sinh ra bệnh tật, cho
nên Thái Thượng Lão Tổ dùng phương pháp luyện khí để chữa bệnh ở
Tạng-phủ, phép lấy dùng cách thở ra để tiết khí độc ra ngoài, dùng cách
thở vào để thu lấy tinh khí của trời đất bù vào, có thể sau một ngày đã
thấy hiệu nghiệm nhỏ, sau một tuần đã thấy hiệu nghiệm lớn, sau một năm
mọi bệnh tật đều hết, tuổi thọ tăng lên rất nhiều…(Quyển thượng-Vệ sinh
yếu quyết-Hải Thượng Lãn Ông Y Tâm lĩnh)
Theo quan niệm của y lý cổ truyền, con
người là một Vũ trụ thu nhỏ, bởi vậy vạn vật trong vũ trụ đều có khả
năng hoạt hóa ảnh hưởng đến dòng sinh lực tồn tại của con người, và
ngược lại dòng sinh hóa của con người cũng có thể thăng hoa để hóa nhập
vào cội nguồn của thiên nhiên. Dựa vào nguyên lý đó các bậc Chân nhân,
Đạo sĩ, các Danh y thời xưa ngoài việc dùng cây cỏ, chim muông, và các
vật thể hữu hình khác như đá, cuội, khoáng vật…để lấy những tinh chất đã
hấp thụ Khí hóa khác nhau của thiên nhiên, sử dụng như những vị thuốc
làm tăng cường nội khí, điều hòa những rối loạn bệnh lý trong cơ thể con
người, thì họ còn biết sử dụng những năng lượng siêu nhiên, những vật
chất vô hình để phục vụ cho việc bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Những năng lượng thiên nhiên thường được
tận dụng nhất của người xưa là Trường sinh học của thuật Phong thủy,
thủy nhiệt của các nguồn suối, ánh sáng có màu trong Quang đạo dẫn, đặc
biệt dùng kỹ thuật Âm thanh để trị bệnh đã đạt đến trình độ tinh xảo vô
cùng, ví dụ như dùng chấn động của tiếng hét nội lực để đã thông kinh
mạch trong môn Sư tử hống của Thiếu lâm, dùng Âm thanh của nhạc cụ như
chiêng, trống, mõ ..hoặc âm điệu của giọng nói để dẫn dắt con người vào
những trạng thái tâm lý nhất định nhằm mục đích dẫn dụ, khai mở, thức
tỉnh, khơi động những trung tâm năng lượng tiềm ẩn trong con người phục
vụ cho vấn đề chẩn bệnh cũng như trị bệnh. Trong đó Lục Tự Khí Công là
một phương pháp đặc thù đã vận dụng những chấn động vi tế của Âm thanh
kết hợp với hô hấp để tạo nên một phương pháp trị bệnh dưỡng sinh thần
diệu.
Lục Tự Khí Công tạm dịch là môn công phu
luyện khí theo 6 chữ, còn gọi là Lục Tự Quyết (Khẩu quyết 6 chữ). Tương
truyền do Thái Thượng Lão Tổ một Đạo nhân tu Tiên thời thượng cổ Trung
hoa sáng lập.
Lục-tự-khí-công của Thái thượng lão tổ
ban đầu gồm có 7 chữ, 1 chữ thở vào và 6 chữ thở ra, do trong trường hợp
luyện tập nào cũng chỉ sử dụng một chữ thở vào là chữ: “Hấp” còn kỹ
thuật luyện tập thay đổi là phụ thuộc vào sự tiết Tự của 6 chữ thở ra
cho nên vẫn gọi là Lục-tự-khí-công.
Sáu chữ thở ra được phân biệt theo tính chất trường độ của hơi thở, và được phân loại như sau:
1- Chữ HA là hà hơi ra
2- Chữ HƯ là thở phào ra
3- Chữ XU là thở ngắn
4- Chữ HU là thổi ra từ từ
5- Chữ XUY là thở dài ra
6- Chữ HY là thở rền rả điều hòa
Lục tự khí công đang lưu hành hiện nay
là do Đạo trưởng Xích-Tùng-Tử tu luyện phép trường sinh ở núi Hoa-sơn
nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá cho đời sau. Lấy 6 chữ của Thái Thượng
làm cơ sở , Xích Tùng-Tử không những chỉ dựa vào tính chất trường độ
của từng tự quyết, mà còn phân biệt Âm sắc, động thái của từng Chữ ứng
với các khí hoá ngũ hành của Vũ trụ, và qui nạp vào tính chất hành khí
của từng kinh mạch, huyệt vị hoặc từng tạng phủ trong cơ thể. Mỗi Tự
quyết đặc trưng cho một hình thái năng lượng khác nhau, có sức chấn
động, tương tác khác nhau, nhưng lại có tính thâu nhiếp, tàng trữ, hỗ
trợ, phát tán hoặc khống chế lẫn nhau như trong một thể thống nhất mà
triết học Á đông gọi là Tương-Sinh (Cái này tạo ra cái kia) hoặc là
Tương-Khắc (Cái này khống chế cái kia).
Thông qua việc rèn luyện, ứng dụng Lục
tự quyết vào việc phòng bệnh và trị bệnh, Đạo trưởng Xích-Tùng Tử đã lập
nên một Y-phái đặc biệt, và đúc kết những tinh hoa kinh nghiệm vào cuốn
: “Lục Tự Bệnh Lý Kỳ Thư” (Thanh-Long Y phái ở Huế có giữ một cuốn viết
tay bằng bằng chữ Nôm), Sách có những lý luận vi diệu về triệu chứng
lâm sàng cũng như cách phòng, chống bệnh tật, được các Danh y ngày xưa
xem như cẩm nang hành nghề. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lục-tự-quyết
không có gì thay đổi về căn bản kỹ thuật, chỉ về việc trào lưu phát
triển , Lục tự quyết có nhiều lúc chìm lắng trong dân gian, ẩn tích vào
thâm sơn cùng cốc cùng với các đạo sĩ của Đạo giáo, nhường lại cho những
trào lưu dưỡng sinh rầm rộ khác, như dịch cân kinh, Bát đoạn cẩm của
Thiếu lâm tự, Thái cực quyền của Võ đang, Ngũ hành hình ý quyền, Ngũ
linh quyền, Thập nhị khí công, Du-già( Yoga) hoặc các môn khí công Nội
gia của các Võ phái lừng danh khác.
Sở dĩ Lục tự quyết không phát đại quang
dương ồn ào náo nhiệt như các môn dưỡng sinh khác là vì Lục tự quyết chỉ
đơn thuần là một môn dưỡng sinh, không có các động tác oai phong, uy
dũng, bay bướm như võ học, và mục đích rèn luyện cũng không phải để đạt
đến những khả năng siêu phàm, mặt khác những lý luận trong Lục tự quyết
cũng không phải là những lý luận triết học thâm sâu có sức quyến rũ, lý
giải về nhân sinh quan và thế giới quan như các môn Dưỡng sinh khác, mà
luyện tập chỉ để Nâng cao chính khí-Điều hòa cơ thể-Phòng chống bệnh
tật- kéo dài tuổi thọ .Chính vì vậy mà Lục Tự Quyết trong một khoảng
thời gian dài của lịch sử chỉ được tồn tại và coi trọng trong các Gia-Y
như một phương pháp đặc biệt để nâng cao Y-Lực trong nghề. Trong thời
đương đại, bởi nhịp điệu cuộc sống quá hối hả, ráo riết, thời gian sử
dụng quá nhiều cho những nhu cầu của đời sống hiện đại ,vì vậy người ta
chỉ muốn tìm đến những gì đơn giản, tiện lợi và dễ thực hiện nhưng vẫn
đảm bảo hiệu quả cao. Lục tự khí công đáp ứng được những nhu cầu đó,cho
nên đã được tìm tòi nghiên cứu và dần dần được phổ biến rộng rãi như một
phương pháp phòng bệnh ưu việt.
Chương 2: Các nguyên tắc căn bản của lục Tự khí công
A- Hình thái của Lục tư quyết:
Tự quyết bao gồm có 6 CHỮ hay nói cách khác có 6 Âm tiết khác nhau:
1- Chữ HƯ
Như tiếng gầm gừ trong cổ họng phát ra,
không phụ thuộc vào môi và lưỡi, gần giống như âm “Hứ” trong phản xạ tự
nhiên của trạng thái tinh thần giận dữ, thách thức, bực bội, hoặc bị kẻ
thua mình dọa dẫm, coi thường, hay lúc muốn trấn áp người khác mà không
muốn nhiều lời,thường liên quan đến tính tự ái, lòng tự trọng và sự uất
hận.
2- Chữ HA
Như thể hà hơi ra, miệng há ra tự
nhiên,lưỡi đè xuống hàm dưới, như thể hiện của âm thanh tự phát trước
một sự nhận biết bất ngờ,âm thanh phát ra tương tự như một câu hỏi đã
được khẳng định ” Há ? ” hoặc như tiếng cười thoải mái tự nhiên ”
hà..hà” Âm thanh tự phát này liên quan đến trạng thái thỏa mãn hài lòng.
3- Chữ HÔ
Miệng hơi hé mở, môi chu lại như vòng
tròn, hơi từ trong thoát ra qua vành môi để tạo nên âm thanh. Tương tự
như tiếng cười nhạo báng ” hô …hô..hô..” thể hiện sự hiểu, cái đúng của
suy nghĩ trước sự nhầm lẫn về kiến thức của người khác. Hay là biểu hiện
kết quả toại nguyện của sự tính toán lo toan,suy nghĩ.
4- Chữ HI
Miệng bành ngang ra, răng khép hờ, lưỡi
hơi cong , đầu lưỡi tỳ xuống chân răng của hàm dưới. Gần như tiếng khóc
của người lớn ” hí..hí..hí..” thể hiện sự buồn đau mất mát
5- Chữ SUY
Môi chu lại rồi kéo bành ngang ra đồng
thời hơi từ trong phát ra ngoài qua vòm lưỡi hơi cong lên.Tương tự như
âm ” xùy..” của một người muốn ngăn chặn người khác đừng ồn ào, quấy rối
để chú ý theo dõi, cảnh giác trước một vấn đề gì rất đáng quan tâm hoặc
lo ngại.
6- Chữ HU
Miệng gần giống như phát chữ Hô, nhưng
môi chu lại nhỏ hơn chỉ chừa lại một lỗ nhỏ, hơi được thổi mạnh ra đó
tạo thành âm thanh như gió thổi. tương tự như tiếng hú kéo dài của người
đi rừng muốn thông báo, kêu gọi, cảnh báo cho người khác đang ở cách xa
mình.
B- Luc tự quyết qui nạp với ngũ hành:
1- Khái niệm về Ngũ hành:
Ngũ-hành là 5 trạng thái cơ bản của vật
chất theo quan điểm triết học Á-đông, được phân loại thành 5 trạng thái
hành khí khác nhau, đặc trưng cho tính chất vận động của vạn vật. Ngũ
hành là nền tảng cơ sở để hình thành các nguyên lý của Lục tự khí công
a- Phân loại ngũ hành:
Hành MỘC có thể hiểu nôm na là có tính chất như Gỗ, Cây cỏ
Hành HOẢ ———————————————— Lửa
Hành THỔ ———————————————— Đất, Đá
Hành KIM ————————————————- Kim loại
Hành THỦY ———————————————- Nước
b- Ngũ hành qui nạp vào thiên nhiên:
Ngũ Hành: Mộc Hoả Thổ Kim Thuỷ
Mùa : Xuân Hạ Trưởng hạ Thu Đông
Phương hướng: Đông Nam Trung ương Tây Bắc
c- Các qui luật của ngũ hành:
Ngũ hành có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, tương tác, hỗ trợ, chế ngự lẫn nhau thông qua những qui luật nhất định:
° Qui luật tương sinh
Là hành khí này có thể phát sinh ra hành
khí kia, cũng có hàm nghĩa là nuôi dưỡng, hỗ trợ giúp đỡ nhau để sinh
trưởng và phát triển. Hành khí có khả năng sinh ra hành khác được gọi là
Hành Mẹ (Mẫu), hành khí được sinh ra gọi là Hành Con (Tử).Mối quan hệ
ngũ hành tương sinh vì vậy còn được gọi là mối quan hệ Mẫu-Tử:
- Hành Mộc sinh ra Hành Hỏa: Ví dụ như Gỗ đốt cháy thành Lửa
- Hành Hỏa sinh ra Hành Thổ :Ví dụ như vạn vật bị cháy đều trở thành tro đất
- Hành Thổ sinh ra Hành Kim: Ví dụ như Kim loại có từ đất, đá quặng mà ra
- Hành Kim sinh ra Hành Thủy: Ví dụ như Sương lạnh có trên kim loại
-Hành Thuỷ sinh ra Hành Mộc :Ví dụ như Cây cối nhờ có nước mà trưởng thành
(Mộc—->Hỏa——>Thổ—–>Kim—->Thủy—->Mộc…..)
(Mối quan hệ Mẫu- Tử trong ngũ hành khi
được qui nạp vào Cơ thể con người theo cấu tạo của nội tạng và cấu trúc
của kinh mạch huyệt vị, đóng một vai trò hết sức quan trọng, nó là
nguyên tắc cơ bản của thủ pháp Bổ-Tả trong trị liệu Đông-Y. Cụm từ “Hư
thì Bổ Mẫu, Thực thì Tả Tử” có hàm nghĩa là cơ quan nội tạng nào bị suy
thoái chức năng thì bồi bổ ở cơ quan Mẹ, cơ quan nào khí huyết ứ trệ,
quá tải thì phải tiết tả ở cơ quan Con . Khái niệm Mẹ, Con là được hiểu
theo ý nghĩa Mẫu-Tử ở trên. )
° Qui luật tương khắc:
Có nghĩa là khống chế, ngăn cản, kìm hãm
lẫn nhau để giảm bớt sự phát triển bừa bãi. Mối quan hệ tương khắc
trong ngũ hành được xem là mối quan hệ Được-Thua:Nó thắng ta hay là ta
thắng nó, thể hiện ở đặc tính, cái này có khả năng ngăn cản, kìm chế,
thậm chí còn sát phạt cái kia:
-Hành Mộc >Khắc chế < Hành Thổ____Ví như Cây cỏ lấy hết dinh dưởng làm cho đất khô cằn
-Hành Thổ >Khắc chế< Hành Thủy____Ví như đất đá núi, đồi ngăn cản dòng chuyển lưu của nước
-Hành Thủy >Khắc chế< Hành Hỏa____Ví như nước dập tắt được lửa
-Hành Hỏa >Khắc chế< Hành Kim____Ví như lửa nung cho kim loại chảy ra
-Hành Kim >Khắc chế< Hành Mộc____Ví như dao búa có thể chặt vụn cây cối….
Qui luật tương sinh và qui luật tương
khắc là hai điều kiện không thể thiếu được để duy trì sự thăng bằng
tương đối của vạn vật.Trong tương sinh có tương khắc, trong tương khắc
có tương sinh, đó là qui luật chung về sự vận động biến hóa của tự
nhiên, nếu chỉ có tương sinh mà không có tương khắc thì không thể giữ
được thăng bằng sự phát triển bình thường của sự vật. Nếu chỉ có tương
khắc mà không có tương sinh thì vạn vật không thể sinh trưởng được.Trong
Sinh hóa có Ức chế, trong Ức chế có Sinh hóa đó là điều kiện tất yếu
cho sự tồn tại của vạn vật.
Ngoài hai qui luật cơ bản đó, mối quan
hệ của ngũ hành còn tuân theo một vài qui luật phụ khác ví dụ như Ngũ
hành tương thừa và Ngũ hành tương vũ.
Tương thừa có hàm nghĩa là thừa thế
thắng để lấn tới trấn áp cái kém mình, ví dụ như bình thường thì Thổ chế
ngự Thủy, không cho Thủy phát sinh một cách tùy tiện, nhưng khi Thổ quá
dư thừa thì không phải là sự khống chế hữu ích nữa, mà sinh ra sát
phạt, hình hại Thủy làm cho Thủy suy yếu, dẩn đến mất cân bằng của sự
phát triển.( “Cương tắc hại” mạnh quá thì hình hại).
Tương vũ có hàm nghĩa khi có thế thắng
thì lấn lướt cái đáng ra khống chế mình, ví dụ lúc bình thường thì Thủy
khắc chế Hỏa, nhưng có khi vì Hỏa quá mạnh, Thủy không thể nào khống chế
được làm hao tổn tiềm lực của chính mình dẫn đến bị suy yếu, cho nên
coi như ngược lại Hỏa lại khắc hại Thủy ( ” Thừa tắc nãi chế” :Thừa thãi
thì khống chế lại).
Qui luật Tương thừa và tương vũ là hiện
tượng khác thường (phản thường) của qui luật Ngũ hành tương sinh, ngũ
hành tương khắc (chính thường).Tuy rằng là phản thường nhưng lại có tính
tất yếu trong chuỗi vận động của vật chất.
2- Lục tự qui nạp vào ngũ hành
Qui nạp lục tự vào ngũ hành là xác định
tính chất chấn động của từng tự quyết một cách cụ thể thông qua những
đặc điểm tương ứng của từng loại ngũ hành, cũng như các qui luật vận
động của nó
Chữ HƯ—————-ứng với hành————– MỘC
Chữ HA—————-ứng với hành—————HỎA
Chữ HÔ—————-ứng với hành—————THỔ
Chữ HI—————–ứng với hành—————KIM
Chữ SUY————–ứng với hành—————THỦY
Chữ HU —————ứng với hành—————-HỎA
3- Lục tự tương sinh
Khi đã được qui nạp vào ngũ hành, thì tất cả các Tự quyết đều phải tuân theo các qui luật vận động của ngũ hành,
Vòng lục tự tương sinh có chữ HƯ khởi đầu gọi là vòng : Nhật khởi- Đông khai
Có vòng tương sinh theo thứ tự : HƯ-HA-HÔ-HI-SUY-HU
Vòng lục tự tương sinh có chữ HA khởi đầu gọi là vòng : Chính Dương vi quân
Có vòng tương sinh theo thứ tự : HA-HÔ-HI-SUY-HU-HƯ
Vòng lục tự tương sinh có chữ HÔ khởi đầu gọi là vòng Ngũ trung đại hóa
Có vòng tương sinh theo thứ tự : HÔ-HI-SUY-HU-HƯ-HA
Vòng lục tự tương sinh có chữ HI khởi đầu gọi là vòng:Tây kết vi thần
Có vòng tương sinh theo thứ tự : HI-SUY-HU-HƯ-HA-HÔ
Vòng lục tự tương sinh có chữ SUY khởi đầu gọi là vòng: Vọng nguyệt tàng nguyên
Có vòng tương sinh theo thứ tự : SUY-HU-HƯ-HA-HÔ-HI
Vòng lục tự tương sinh có chữ HU khởi đầu gọi là vòng : Tàng dương tá sứ
Có vòng tương sinh theo thứ tự : HU-HƯ-HA-HÔ-HI-SUY
Trong 6 vòng Lục tự tương sinh thường
được sử dụng nhiều nhất là vòng Nhật khởi đông khai ( chữ HƯ đứng đầu)
kế đến là vòng Vọng nguyệt khai nguyên (chữ SUY đứng đầu) sau là tới
vòng Ngũ trung đại hóa (chữ HÔ đứng đầu),còn các vòng còn lại rất ít khi
sử dụng đến.
Chương 3: Phương pháp luyện tập lục tự khí công
1-Chuẩn bị:
- Tắm gội sạch sẽ, quần áo nới lỏng,
rộng rãi, thoải mái – “ngoại khiết” – Chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát,
không có sự quấy nhiễu ( tránh trường hợp vừa luyện tập vừa mở Truyền
hình ) ” tịnh viên”- Ngồi xếp bằng thoải mái , hoặc ngồi trên ghế thả
lỏng hai chân chạm đất- “nhu tọa” – Hai tay để lên đùi một cách tự nhiên
“thủ-túc giao hòa”- Eo lưng hơi thót lại, hai vai buông lỏng – ” yêu
bối hướng tâm, kiên ngung hướng hạ” – Cằm hơi thu vào, để từ gáy xuống
thắt lưng tạo thành một đường thẳng – “hậu thân trực chỉ” – Hai mắt khép
hờ, nhẹ nhàng vô tư lự ( ” Lãn miêu mục thị” : như mắt con mèo lười
ngái ngủ)
2-Thực hành:
a) phương pháp thở và kỹ thuật
tiết-nhiếp Tự quyết: -Hít vào bằng mũi, hít xuống bụng dưới, bụng hơi
phình ra. Chỉ cần trong ý niệm biết rằng ta đang hít vào một luồng không
khí trong sạch, từ đỉnh đầu đi xuống bụng dưới, không cần quan tâm khí
đi như thế nào và cũng không cần thiết cố hít vào thật sâu – Thở ra bằng
miệng, khi thở ra kèm theo việc trong ý nghĩ phát ra tự quyết, ở mỗi
hơi thở, tự quyết chỉ phát ra một lần và ngân vang cho đến cuối hơi thở.
Trong khi thở ra môi và lưỡi đặt ở vị trí thích hợp để phát ra ÂM QUYẾT
đã chọn. Đặc biệt lưu ý Chỉ phát ra tự quyết bằng ý niệm mà không phát
ra thành tiếng, sự rung động như có thể nghe được rõ ràng nhưng chỉ
trong tâm thức chứ không phát ra âm thanh thực sự – Đến cuối hơi thở
miệng ngậm lại, đầu lưỡi chạm nướu răng trên và tiếp tục hít xuống bụng
dưới để bắt đầu một chu kỳ thở tiếp theo. Hơi thở này tiếp theo hơi thở
kia liên tục, khoan thai, nhịp nhàng, đều đặn. Không thô, không ngắt
quãng, không gấp gáp, không dồn dập.
b)Thực hành Lục tự tương sinh: – Luyện
tập Lục tự quyết là luyện tập theo một vòng Lục tự tương sinh hoàn chỉnh
chứ không phải luyện tập từng Tự quyết riêng biệt, mổi Tự quyết được
lặp đi lặp lại theo một lượng số có hạn định, rồi Tự quyết này nối tiếp
Tự quyết kia theo qui luật của Lục tự tương sinh, hết một vòng Lục tự
tương sinh là kết thúc phần thực hành tự quyết -Có hai cách luyện tập
Lục tự quyết: Luyện tập dưỡng sinh, nâng cao chính khí và luyện tập để
trị bệnh. Mỗi một cách luyện tập chỉ khác nhau về số lần tiết tự và thời
điểm luyện tập mà thôi chứ về kỹ thuật không có gì thay đổi.
* Luyện tập dưỡng sinh: Tùy thuộc vào
thời gian trong ngày, ta chọn thời điểm luyện tập vào lúc nào thì có
vòng Lục tự tương sinh tương ứng với thời điểm đó. Có 3 thời điểm trong
ngày luyện tập có hiệu quả nhất
° Từ 5 đến 9 giờ sáng chọn vòng Lục tự
tương sinh Nhật khởi- Đông khai tức là vòng tương sinh có Chữ HƯ đứng
đầu (HƯ-HA-HÔ-HI-SUY-HU) để luyện tập. Sau khi đã chuẩn bị tư thế tập
luyện như đã trình bày trên bắt đầu quá trình hô hấp tiết tự: Hít vào từ
từ bằng mũi, nhưng lại tưởng tượng như có một luồng thanh khí đi vào
đỉnh đầu và hướng xuống bụng dưới đồng thời lúc đó bụng hơi phình ra,
hơi thở vào vừa đủ thoải mái ( không cần thiết hít vào thật sâu) tiếp
nối ngay lúc đó, bụng từ từ thót lại bắt đầu kỳ thở ra, miệng mở nhẹ như
chuẩn bị phát âm chữ HƯ (xem phần hình thái của tự quyết) theo với
luồng hơi như thể được ép ra từ bụng dưới ra ngoài là âm tự HƯ được sự
chỉ đạo của tâm tưởng phát ra và ngân dài cho đến tận cuối hơi, âm tự
được phát ra thực sự với mọi nguyên lý, cấu trúc hoàn chỉnh của sự phát
âm, nhưng lại không thành tiếng hay nói một cách khác dễ hiểu hơn là
người luyện tập nghe được trong tâm trí của mình rõ ràng âm tự phát ra,
nhưng người ngồi bên cạnh không nghe rõ. Khi hơi thở ra vừa hết cũng
không cần phải cố xả thật hết hơi, thì lại tiếp tục hít vào để tiếp tục
chu kỳ tiết tự mới. Cùng với hơi thở ra mỗi tự quyết được thực hiện 21
lần, lần lượt từ Tự quyết HƯ 21 lần rồi đến Tự quyết HA 21 lần cho đến
Tự quyết HU thì kết thúc một buổi tập.Tổng cộng tất cả là 126 hơi thở
tiết tự. Phân tích cả quá trình thì có vẻ là khó thực hiện, nhưng khi đã
nắm vững Nguyên lý việc tập luyện rất đơn giản. Ví dụ khi hít vào, chỉ
cần bụng hơi phình ra miệng ngậm lại là bắt buộc hơi phải theo mũi để
vào, lúc đó chỉ cần đưa sự chú ý lên đỉnh đầu thì tự nhiên cảm giác như
thể có luồng hơi chạy vào đỉnh đầu, hít vào phình bụng ra, khi đủ hơi
theo phản xạ lúc xả hơi ra tự nhiên bụng lại tự động thóp vào, chỉ cần
đưa sự chú ý của tư tưởng vào âm tự nơi vòm miệng là đã thực hiện được
sự tiết tự như ý muốn.
° Từ 13 cho đến 15 giờ chiều thì chọn
vòng Lục tự tương sinh Ngũ Trung Đại Hóa, tức là vòng tương sinh có chữ
HÔ khởi đầu: (HÔ-HI-SUY-HU-HƯ-HA) lần lượt luyện tập như đã trình bày
trên
° Từ 20 giờ tối cho đến quá nửa đêm chọn
vòng Vọng Nguyệt Tàng Nguyên tức là vòng tương sinh có chữ SUY khởi đầu
để tập luyện (SUY-HU-HƯ-HA-HÔ-HI)
Tại sao ở 3 thời điểm trên, luyện tập
Lục tự khí công lại có hiệu quả hơn các thời điểm khác? và tại sao ở mỗi
thời điểm lại phải sử dụng mỗi vòng Lục tự khác nhau? Nếu nắm vững các
qui luật vận hóa của ngũ hành, ứng với qui luật vận động của Vũ trụ cũng
như qui nạp vào cơ thể con người như đã trình bày ở phần Các nguyên tắc
cơ bản của Lục tự khí công thì câu hỏi đó rất dễ giải thích. Ở mỗi vòng
lục tự tương sinh, chữ khởi đầu đóng vai trò rất quan trọng nó quyết
định toàn bộ tính chất chấn động, và khả năng hành hóa cho cả vòng, chữ
khởi đầu mang Hành gì, thì cả vòng tương sinh đều mang tính chất của
hành đó.Ví dụ chữ HƯ mang hành Mộc, thì vòng Lục tự ” Nhật khởi-Đông
khai” có chữ HƯ khởi đầu cũng mang Hành Mộc, tương tự ở các vòng Lục tự
khác cũng vậy. Ngoài ra mỗi vòng Lục tự mang một ý nghĩa tượng trưng cho
khả năng tác động của nó vào quá trình hoạt động, sinh trưởng và tồn
tại của con người. Ví dụ: -Vòng Nhật khởi-Đông khai mang hành Mộc vì chữ
khởi đầu là chữ HƯ ( hành Mộc). Đối với thiên nhiên cũng như cơ thể con
người hành Mộc ứng với sự khai mở, phát sinh cho một chu kỳ vận hóa
(Phát triển và tồn tại). Hành Mộc tương ứng với phương Đông , tương ứng
với với giờ Dần, giờ Mão :từ 3 đến 5, từ 5 đến 7 giờ (xem kỹ phần Lục tự
qui nạp với ngũ hành) .Vòng lục tự có tên là Nhật khởi ( mặt trời mọc) –
Đông khai ( mở ở hướng Đông) ngoài ý nghĩa là hành Mộc ứng với phương
Đông, vào lúc mặt trời mọc, hai chữ “khởi”: là bắt đầu và chữ “khai”: là
khai mở còn, có ý nghĩa nói đến khả năng khai mở, nói đến năng lượng
chấn động thúc đẩy cho một vòng sinh hóa khởi động. Tương tự như vậy,
vòng Lục tự Ngũ trung đại hóa có chữ HÔ đứng đầu, chữ HÔ thuộc hành Thổ,
cho nên cả vòng Lục tự này đều là hành Thổ. Hành Thổ đối với quá trình
sinh hóa của cơ thể là biểu tượng cho sự phát tán, hoạt hóa của năng
lượng vật chất được hấp thụ qua đường tiêu hóa (khí hậu thiên), năng
lượng vật chất này theo Đông y là bao gồm Khí, Huyết,và Tân dịch, hai
chữ Đại hóa của vòng Lục tự tương sinh này bao hàm ý nghĩa là Hành khí,
Hoạt huyết, và dưỡng tân, nói tóm lại sự chấn động của vòng Lục tự này
là giúp cho khí, huyết được lưu thông mạnh mẽ khắp thân thể. Còn vòng
Lục tự Vọng nguyệt tàng nguyên dịch ra nghĩa đen là Nhìn trăng mà thu
giữ lấy nguyên khí. Chỉ có ban đêm mới có trăng, ban đêm là giờ hợi giờ
tý thuộc hành Thủy bởi vậy mới chọn vòng lục tự tương sinh có hành thủy
là chữ SUY khởi đầu là vậy và nó có tác dụng với sự sinh hóa của cơ thể
là hỗ trợ quá trình tàng trữ, tích lũy, giữ gìn và bảo vệ nguyên khí.
Tóm lại chọn 3 vòng Lục tự tương sinh này sở dĩ có những đặc điểm đặc
thù tương ứng với các thời điểm thích hợp trong ngày là vì 3 vòng Lục tự
này mang 3 hành khí Mộc, Thổ, Thủy là đại diện cho 3 giai đoạn quan
trọng nhất của quá trình phát triển và tồn tại của khí hóa. (Qui luật
phát triển tất yếu của vạn vật đều nhất định phải trải qua các giai
đoạn: Phát sinh-Trưởng thành-Hành hóa-Thu nhiếp và Tàng trữ). Khí Mộc
thịnh vượng nhất buổi tảng sáng, có khả năng kích động sự phát sinh. Khí
Thổ thịnh vượng nhất vào buổi xế trưa có khả năng kích hoạt sự phát
tán, thăng hoa và lưu chuyển. Khí Thủy thịnh vượng nhất vào buổi tối có
khả năng thúc đẩy quá trình tích lũy, tàng trữ, và bảo vệ. Ngoài những
yếu tố cơ bản ấy, yếu tố tiện lợi cho sinh hoạt hàng ngày cũng được chú
trọng, tảng sáng, xế trưa và chiều tối là những thời điểm thuận lợi để
thực hành và luyện tập. Như đã nói trên đó là 3 thời điểm trong ngày,
tương ứng với 3 vòng lục tự tương sinh mà người luyện tập dưỡng sinh
bình thường đạt được hiệu ứng khí hóa tối đa nhất. Thực ra luyện tập bất
kỳ một vòng Lục tự tương sinh nào, và vào thời điểm nào củng đều có kết
quả nâng cao chính khí, điều hòa khí huyết và củng cố thể trạng để bảo
vệ sức khỏe cả. Tuy nhiên nếu có điều kiện thì luyện tập 3 lần trong 1
ngày với 3 vòng Lục tự đã chọn thì tốt nhất, còn không chỉ cần mỗi ngày
một lần chuyên cần đều đặn đã đạt được những thành tựu mà không có một
thứ thuốc bổ dưỡng nào sánh kịp. Ngoài ra muốn có hiệu quả tốt hơn cho
việc phục hồi các chức năng bị rối loạn lệch lạc thì nên căn cứ vào tình
trạng thể khí của cơ thể để lựa chọn vòng Lục tự thích hợp. Ví dụ:
“..tình trạng khí huyết thiếu. Khả năng thu nạp dinh dưỡng kém, kèm theo
những triệu chứng hay mệt mỏi, chán chường ủ dột, u uất, thần sắc bạc
nhược v..v, đó là do nguyên nhân lệch lạc ở chỗ phát động khởi đầu của
dòng sinh khí, vì vậy nên chọn vòng Lục tự “Nhật khởi-Đông khai” mà
luyện tập. Sinh khí đầy đủ, dinh dưỡng dư thừa, mà thần sắc không tươi
nhuận, đau nhức thường xuyên… là do rối loạn nơi chỗ hoạt hóa, vì vậy mà
chọn vòng Lục tự “Ngũ trung đại hóa” mà dùng. Sinh khí hoạt hóa khắp
châu thân, phát tán bộn bề nơi kinh mạch, sức khỏe như dư thùa mà tâm
thần vẫn hoảng hốt, ăn nói cuồng ngôn bạo ngữ, ngang ngạnh, hiếu chiến,
hỷ nộ thất thường, tham dâm, loạn dục ..v.v..là bởi lệch lạc nơi khâu
tàng trữ, do khả năng thâu nhiếp giữ gìn lỏng lẻo nên để cho Chân khí
không có chỗ nương tựa bám víu mà lồng lộn như ngựa điên, loạn lưu nơi
kinh mạch, thất tán ra ngoài là vậy. Khi gặp tình trạng này nên chọn
vòng “Vọng nguyệt tàng nguyên” chuyên cần mà luyện, năm bữa, bảy ngày
tất khỏi.” (LụcTự Bệnh Lý Kỳ Thư ) Kinh nghiệm người xưa ghi lại
” Lưỡng thuận, đắc thời chi sở dụng,
Minh khai, đông khởi vị tòng sinh
Mãn ngọ tọa trung luân đại hóa
Nhập dạ tàng nguyên, thâu, nhiếp,bình…” (Sách Lục tự kỳ môn dị pháp)
Dịch nghĩa : Gặp thời điểm mà có hai có 2
cái thuận lợi thì nên dùng, như buổi hừng đông , một là khí Mộc thịnh
vượng nhất, hai là lúc vừa ngủ dậy chuẩn bị cho một ngày mới thuận tiện
cho việc rèn luyện thì dùng vòng Nhật khởi-Đông khai là vòng tòng sinh
mà luyện. Quá trưa vừa phù hợp với giờ nghỉ trưa, khí thổ lại cường
tráng , ngồi ở trung tâm mà luân chuyển vòng đại hóa (Ngũ trung đại
hóa). Vào đêm khi thủy khí đầy tràn, lại vừa qua khỏi một ngày vận động,
đến thời nghỉ ngơi là lúc rất phù hợp để tàng trữ nguyên khí, thu nhận
tinh khí trở lại nơi tiên thiên, điều tiết quân bình khí huyết, đó là
chức năng của vòng lục tự Vộng Nguyệt Tàng Nguyên
3- Luyện tập để trị bệnh:
Kỹ thuật luyện tập Lục tự khí công để
trị bệnh về căn bản hoàn toàn giống như kỹ thuật luyện tập dưỡng sinh đã
trình bày ở trên. Nhưng về tình tự và số lần tiết tự có khác nhau.
-Về thời gian luyện tập không nhất thiết
phải lựa chọn thời gian thích hợp một cách kỹ càng như các Cổ thư chỉ
dạy. Ví dụ bệnh ở tạng phủ nào thì phải lựa chọn thời gian tương ứng với
tạng phủ ấy để luyện như bệnh về Phổi thì phải chọn giờ Thân, giờ Dậu,
bệnh về Tim mạch thì chọn giờ Tỵ giờ Ngọ v..v…Thứ nhất là bởi việc chọn
lựa thời gian phức tạp, không giản tiện như yêu cầu của phương pháp, thứ
hai là hiệu quả không có gì khác biệt lớn vì năng lượng chấn động, kích
thích chủ yếu phụ thuộc vào hình thể của Tự quyết. Về thời gian, nếu
được chỉ tuân thủ theo 3 thời điểm trong ngày như đã trình bày ở phần
Luyện tập dưỡng sinh (xin tham khảo phần Lục tự qui nạp vào thời gian) -
Căn cứ vào bệnh tật ở tạng phủ nào trong
Nội tạng, bệnh có liên quan đến cơ quan bên ngoài nào, liên hệ đến chức
năng nào thì chọn Tự quyết tương ứng theo nguyên tắc Lục tự qui nạp vào
cơ thể con người như đã trình bày ở phần ” Các nguyên tắc cơ bản của
Lục tự khí công” để đưa ra liệu trình luyện tập hợp lý (sẽ trình bày cụ
thể ở phần Ứng dụng Lục tự quyết trị bệnh nan y)
- Liệu trình luyện tập tiết tự để trị bệnh có 3 giai đoạn còn gọi là 3 vòng:
* Vòng 1 : gọi là vòng khai mở, vòng này
bắt đầu từ Tự quyết đầu tiên cho đến tự quyết cuối cùng, lần lượt mỗi
tự quyết chỉ thực hành có 6 lần tiết tự, tổng cộng tất cả có 6 lần 6 là
36 hơi thở .Vòng 1 người xưa gọi là vòng “Tiểu chu Thiên Địa” Sách Lục
tự bệnh lý kỳ thư gọi là vòng “Thiên cang”, sách Lục tự kỳ môn dị pháp
gọi là “Chu khởi”. Thanh-long y án khảo luận gọi là “Tam thập lục bảo
khí” còn gọi là vòng “Bảo khí” .Tuy khác tên gọi nhưng cùng chung một ý
nghĩa, mục đích và liệu pháp. Sau khi vừa kết thúc vòng 1 thì tiếp tục
ngay vòng 2 không để gián đoạn.
* Vòng2 : gọi là vòng hành hóa, gọi là
vòng chứ thực ra giai đoạn này chỉ thực hành tiết tự một Tự quyết liên
quan đến cơ quan bị bệnh mà thôi.Và tự quyết này được thực hiện với 18
lần hơi thở liên tục, vòng 2 còn có tên gọi là “Trung chu Thiên địa”.
Sách Lục tự bệnh lý kỳ thư gọi là vòng “Nhân hoá”. Thanh-long y án khảo
luận gọi là “Thập bát La hán phục nguyên” còn gọi là vòng “Phục nguyên”.
Sách Lục tự kỳ môn dị pháp gọi là “Hoạt chu”. Thực hiện xong vòng 2
tiếp tục thực hiện vòng 3.
* Vòng 3 : gọi là vòng hòa tiết, vòng
này mỗi Tự quyết trong vòng Lục tự tương sinh được thực hiện 12 lần tiết
tự. Tổng cộng là 12 lần 6 bằng 72 hơi thở. Vòng 3 người xưa gọi là vòng
“Đại chu Thiên địa”. Sách Lục tự bệnh lý kỳ thư gọi là vòng “Địa tàng”.
Sách Lục tự kỳ môn dị pháp gọi là “Hòa chu”. Thanh-longY án khảo luận
gọi là “Thất thập nhị hòa công” còn gọi là vòng “Hòa công” Tổng cộng
toàn bộ một liệu trình luyện tập trị bệnh là tiết nhiếp 126 Hơi thở
(36+18+72=126, lưu ý luôn luôn nhớ kỹ phép số này).
Một vài ví dụ minh họa phương pháp luyện tập trị bệnh:
- Bệnh về tai : như ù tai (Tinitus),
viêm tai giữa(Mitteohrenzündung), lãng tai v..v..So sánh với bảng Lục tự
qui nạp vào cơ thể thì Tai ứng với Chữ SUY trong lục tự quyết, vì vậy
chọn chữ SUY làm tâm điểm cho quá trình tập luyện. Khi đã biết chữ SUY
là Tự quyết trung tâm thì nên chọn vòng Lục tự tương sinh Vọng Nguyệt
Tàng Nguyên để luyện là tốt nhất, vòng lục tự tương sinh này thời gian
thích ứng cho thực hành là vào buổi tối như đã trình bày ở trên.
Quá trình thực hành tiết tự như sau:
Buổi tối, sau khi tắm gội sạch sẽ, áo quần rộng rãi thoải mái, tìm nơi
yên tĩnh, chọn tư thế ngồi thích hợp thả lỏng toàn thân, hai mắt nhắm
hờ, cổ ngay, lưng thẳng. Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng hơi
phình ra, đặt sự chú ý lên đỉnh đầu để tạo cảm giác như có một luồng
thanh khí đi vào từ đây chứ không phải đi vào bằng mũi, hơi vào vừa đủ,
miệng chuẩn bị tư thế để phát âm chữ SUY, đồng thời ép bụng để tiết hơi
ra miệng, tư tưởng và sự chú ý hoàn toàn tập trung vào chữ SUY, hơi thở
được đẩy ra từ từ qua cấu trúc chữ SUY của vòm miệng ra ngoài, tư tưởng
suy nghĩ đang phát ra chữ SUY nhưng chỉ tồn tại trong Tiềm thức, chứ âm
hưởng không thực sự có thật. (Âm tự tồn tại và được phát ra trong tâm
thức chính là ở dạng tàng ẩn bên trong, cho nên mang tải sức chấn động
của Nội khí rất lớn).
Tiếp tục hơi thở vào như trước, rồi lần
lượt tiết tự chữ SUY theo nhịp thở như thường lệ, sau khi tiết tự chữ
SUY đủ 6 lần thì tiếp nối hơi thở để tiết tự chữ HU. Thứ tự lần lượt chữ
SUY 6 lần, HU 6 lần, chữ HƯ 6 lần, chữ HA 6 lần, chữ HÔ 6 lần, chữ HI 6
lần . Đến đây là kết thúc vòng 1 tức là vòng khởi động, không được dừng
lại làm gián đoạn nhịp thở mà phải liên tục tiếp nối nhịp thở tiết tự
của vòng 2.
Lại hít vào bằng mũi, tư tưởng tập trung
lên đỉnh đầu…..Thở ra, kèm theo việc tiết tự chữ SUY, vì chữ SUY là chữ
trung tâm đã chọn cho liệu pháp trị bệnh về Tai. Chữ SUY được thực hành
tiết tự 18 lần liên tục, đến đây là kết thúc vòng 2 tức là vòng hoạt
hóa, cũng có nghĩa là vòng chủ chốt để trị bệnh.
Tiếp tục nhịp thở tiết tự của vòng 3,
lại bắt đầu từ chữ SUY, nhưng mỗi tự quyết thực hiện đến 12 lần theo thứ
tự sau: chữ SUY 12 lần, chữ HU 12 lần, chữ HƯ 12 lần, chữ HA 12 lần,
chữ HÔ 12 lần, HI 12 lần. Đến đây là kết thúc một buổi thực hành tiết
tự.
Vì điều kiện thời gian bó buộc không thể
luyện tập vào buổi tối để thực hành vòng lục tự tương sinh Vọng nguyệt
tàng nguyên ( là vòng Tự quyết để trị bệnh về Tai thích hợp nhất), thì
chọn thời gian khác, với vòng Lục tự khác vẫn đạt được hiệu quả tốt. Nếu
thời gian luyện tập vào buổi sáng thì như đã trình bày ở trên, chọn
vòng lục tự Nhật khởi-Đông khai và trình tự luyện tập như sau: Chữ HƯ 6
lần, chữ HA 6 lần, chữ HÔ 6 lần, chữ HI 6 lần, chữ SUY 6 lần, chữ HU 6
lần, chữ SUY 18 lần, chữ HƯ 12 lần, chữ HA 12 lần, chữ HÔ 12 lần, chữ HI
12 lần, chữ SUY 12 lần, chữ HU 12 lần.
Nếu thời gian luyện tập vào xế trưa thì
chọn vòng Ngũ trung đại hóa, trình tự luyện tập như sau: Chữ HÔ 6 lần,
chữ HI 6 lần, chữ SUY 6 lần, chữ HU 6 lần, chữ HƯ 6 lần, chữ HA 6 lần,
chữ SUY 18 lần, chữ HÔ 12 lần, chữ HI à 12 lần, chữ SUY 12 lần, chữ HU
12 lần, chữ HƯ 12 lần, chữ HA 12 lần.
Sưu Tầm Và Biên Soạn
Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa
Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét